Giới thiệu

Trang web này được xây dựng nhằm lưu giữ lại lịch sử dòng họ Nguyễn Tiến, thôn Ngõ Mưa, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ, Thái Bình; để tiện cho con cháu trong họ tìm về nguồn cội của mình và gắn kết các thành viên trong dòng tộc.

Các thông tin được sưu tầm từ các cụ cao niên và tư liệu của dòng họ, cập nhật lại từ cuốn Tộc phả năm 2014, do vậy có thể còn thiếu sót. Nếu phát hiện những thông tin chưa chính xác, cảm phiền bà con phản hồi lại cho đại diện khu vực của Họ để xác minh và cập nhật thông tin.

Kính chúc bà con hạnh phúc, an lành!


Lời tựa cuốn Tộc phả năm 2014.

Sông có nguồn, cây có cội, con người có tổ tiên.
Đã là người cần phải biết, luôn nhớ đến và biết ơn tổ tiên của mình.

           Tôi sinh ra và lớn lên trong hòan cảnh đất nước bị giặc Pháp chiếm đóng, nhân dân sống trong cảnh nô lệ, lầm than. Vừa đánh Pháp xong, giặc Mỹ lại nhảy vàp xâm lược. Trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975) đất nước ta mới được hoàn toàn độc lập tự do.

          Trong bối cảnh ấy, mỗi gia đình, dòng họ không khỏi bị chi phối nặng nề. Chiến tranh liên miên, dai dẳng, nên chưa ai có điều kiện để nghĩ tới việc lập lại một cuốn sổ truyền thống của dòng họ để con cháu về sau biết được gốc tích của mình.

          Rồi thời gian cứ trôi, đến nay tôi đã sang tuổi 60, vừa được nghỉ hưu. Có thời gian để mà suy ngẫm, tôi thấy mình cần phải làm một cái gì đó để hôm nay giúp mọi người ôn lại và cho con cháu mai sau biết được nguồn gốc, Tổ tiên, để từ đó vừa kiêu hãnh, tự hào về truyền thống hiếu học, về tư chất thông minh, lòng nhân ái, đức tính đôn hậu, trung thực mà Tổ tiên truyền lại mà kiêu hãnh ngẩng cao đầu bước tiếp cùng trào lưu lịch sử và ra sức tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dòng họ Nguyễn Tiến ngày càng rạng rỡ hơn.

          Tôi có mặt hạn chế là hậu sinh, lại ít được ai kể cho nên biết không nhiều về các đời trước. Viết tộc phả cũng không phải là trách nhiệm của tôi. Nhưng biết trông chờ ở ai  đây? các bậc cao niên trong dòng họ cũng lần lượt qua đời. Một số vị hiện thì cũng đã 70- 80 tuổi rồi. Nếu tôi không làm thì ít năm nữa sẽ cũng già mất, không lẽ cứ để không như vậy chăng ?. Tôi quyết định viết lại những gì mình biết được hoặc có thể sưu tầm được. Với tinh thần thực sự cầu thị và không cầu toàn, tôi tự lĩnh trách nhiệm trước dòng tộc, trước các thế hệ mai sau để biên soạn cuốc sách này, mong rằng nó sẽ giúp ích cho mọi người làm căn cứ khắc ghi về cuội nguồn, bảo tồn truyền thống và hướng tới tương lai, cùng nhau tiến bước, May thay, đang lúc còn ít nhiều nghi vấn về các đời trước thì tôi nhận được cuốn “Lược khảo về lai lịch họ Nguyễn Tiến” của ông Nguyễn Tiến Đễ. Con của Cụ Nguyễn Tiến Tốn là chú ruột tôi. Cuốn sách viết năm 1975 này thực sự là một tư liệu quý giá giúp tôi giải tỏa nhiều thắc mắc, ghi ngờ, thêm vào đó anh Nguyễn Tiến Khách là con trưởng ông Nguyễn Tiến Đễ đã giúp tôi làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề cần thiết. Tuy nhiên còn một khoảng trống từ năm 1975 đến nay chưa ai viết, càng để lâu sẽ càng khó khăn. Tôi cho rằng biên soạn hòan chỉnh cuốn tộc phả của dòng họ Nguyễn Tiến là việc làm vô cùng cần thiết. Từ đó mới có cơ sở để các đời sau tiếp tục duy trì.

Tôi viết cuốn “ Tộc phả họ Nguyễn Tiến” nhằm mục đích gì?

          1- Tạo cơ sở căn bản để bảo tồn và phát huy đạo lý gia tộc, trong đó việc thờ phụng tổ tiên ông bà cha mẹ là bổn phận thiêng liêng, quan trọng hàng đầu của mọi người. Các thế hệ cần luôn ghi nhớ các bậc tiền nhân mà lo việc thờ phụng, cúng giỗ. Những ngưới có trách nhiệm và hiểu biết cần giảng giải cho mọi người, nhất là những người trẻ tuổi thông suốt được vị trí của tộc họ mình trong suốt chiều dài một thời kỳ lịch sự, sự lưu truyền huyết thống và trách nhiệm ăn ở của mình với tổ tiên cho phù hợp với đạo đức của gia đình, dòng tộc và của toàn xã hội .

          2- Gây ấn tượng về nền nếp gia phong cho mọi người trong gia tộc và nhất là tạo ý thức trách nhiệm với gia đình và xã hội cho lớp trẻ ngay từ thời kỳ ấu thơ để rèn luyện phẩm cách xứng đáng của một con người mới.

          3- Làm sợi dây liên kết, ràng buộc đời sống tinh thần của những người cùng chung huyết mạch với nhau. Tao ra một tập quán tôn trọng kỷ luật gia đình, dòng tộc trong nếp sống ăn ở mới.

          4- Giúp cho các thế hệ mai sau có nhiều điều lành điều tốt hơn.

          5- Để con cháu thời nay cũng như đời sau biết sống phù hợp với điều kiện, hòan cảnh mới của xã hội mà vẫn gắn bó với cội nguồn, biết bảo tồn và phát huy truyền thống gia đình, dòng tộc.

Để đạt được mục đích trên, rất mong các thành viên trong dòng tộc thống nhật một số vấn đề sau:

          1- Tộc phả cần được đem ra áp dụng và thường xuyên bổ sung, cập nhật chứ không phải để nằm yên một chỗ rồi dần dần bị lãnh quên.

          2- Tộc phả được giao cho trưởng tộc cất giữ bản gốc, hàng năm bổ sung và đọc cho các thành viên torng dòng họ nghe, Trưởng các chi, các phân chi đều có bản sao Chi phả và phải luôn bổ sung đầy đủ.

          3- Tộc phả phải được cất giữ ở một nơi trang trọng nhất: được bảo quản nghiêm túc, lâu bền, mỗi khi phát hiện hư hỏng phải kịp thời tu chỉnh.

          4 – Trưởng tộc là người thường xuyên duy trì kỷ cương của dòng tộc giửa các thành viên trong dòng tộc, thông tin kịp thời những công việc cần giải quyết trong tộc họ.

          5- Hàng năm có thể vào một trong các ngày giỗ tổ hoặc thanh minh đem tộc phả ra đọc và giải để con cháu cùng nghe biết, học hỏi. Từ đó con cháu có thể ôn lại họăc học thêm những kinh nghiệm sống do ông bà cha mẹ để lại.

          6- Tất cả những người mang họ Nguyễn Tiến từ nay khi sinh con trai đều thống nhất đặt tên đệm là Tiến ( trước có thể có người mang tên đệm là Như, Xuân, Tường, Đặng, Ngọc, Minh … ). đây là vấn đề lịch sử để lại. Từ nay về sau đều đặt tên đệm là Tiến).

          7- Cứ sau 5 đời lập một quyển tộc phả mới- quyển 1 là quyển đầu tiên bắt đầu từ đời 1 đến đời 9. Cứ vậy quyển 2 từ đời 10 đến 14, quyển 3 từ đời 15 đến 19 v…v  Sau đây cần bổ sung quyển 1 cho cho đến đời 9. Từ đời 10 sẽ sang quyển 2.

          8- Để có cơ sở bổ sung tộc phả được đầy đủ, hòan chỉnh các trưởng chi, trưởng phân chi cần có quyển “ Biên niên sự kiện của chi mình, phân chi mình để thường xuyên ghi chép lại những sự kiện lớn thay đổi trong năm của các thành viên, như:

          – Ngày cưới vợ ( Chồng), ly hôn .

           – Ngày sinh con

          – Ngày mất , mộ phần ở đâu – di dời mộ phần

          – Thay đổi chỗ ở , làm nhà mới , mua nhà mới

          – Lên chức mới, cấp mới.

          – Thi đỗ Đại học, cao học, Tiến sĩ … được phong hàm giáo sư, phó giáo sư.

          – Tốt nghiệp ra trường làm nghề gì, ở đâu ?.

          – Được tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước và nước ngoài.

          – Thay đổi nghề, nơi công tác

          – Thay đổi học vị, học hàm

          – Bắt đầu nghỉ hưu.

          – …….

          Cuối năm tổng hợp và thống nhất cùng trưởng tộc bổ sung những điều cần thiết vào tộc phả.

          Để giữ gìn và phát huy tốt truyền thống tộc họ và duy trì được mối liên hệ mật thiết giữa các thành viên cùng huyết thống cần lưu ý: Mỗi giai đọan lịch sử đều có những khó khăn, thuận lợi. Khi xưa: các cụ nhiều vợ, đông con cháu, nên gia đình rất phức tạp, nhưng có thuận lợi cơ bản là hầu như cả gia đình sống quần tụ trong một địa bàn hẹp nhất định ( làng – xã – huyện ) Ngày nay: Xu hướng đẻ ít ( 1-2 ), nhưng do thời thế thay đổi, nền văn minh ngày càng phát triển: nền công nghiệp, thương mại, du lịch, công nghệ thông tin phát triển, xu hướng tòan cầu hóa dẫn đến mọi họat động không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi một quốc gia. Con cháu họat động, sinh sống ở khắp  các vùng đất nước, thậm chí trên khắp thế giới. Do vậy, việc bảo tồn truyền thống , bổ sung cập nhật tộc phả sẽ rất khó khăn . Các đời sau tùy điều kiện mà có những vận dụng cụ thể cho phù hợp. Nhưng cái đích xuyên suốt vẫn là phải giữ được truyền thống, giữ được tộc phả dòng họ Nguyễn Tiến mãi mãi trường tồn.

          Nội dung cuốn sách này có thể còn có chỗ thiếu sót, rất mong quý vị trong tộc họ góp ý để sửa chữa kịp thời,